HOT :

Thí nghiệm tâm lý kinh hoàng nhất lịch sử loài người

Thí nghiệm tâm lý kinh hoàng nhất lịch sử loài người

Một thí nghiệm trên con người đã được thực hiện vào những năm giữa của thế kỷ trước và nó được xem là thí nghiệm tàn bạo bậc nhất.

Không làm đổ một giọt máu, không có ai thiệt mạng hay bị thương tích gì nhưng Thí nghiệm Milgram vẫn mang tiếng là thí nghiệm “vô nhân tính” nhất lịch sử.

Trong lịch sử nghiên cứu khoa học của loài người, đặc biệt trong lĩnh vực tâm lý, không thiếu những cuộc thí nghiệm gây tranh cãi về tính đạo đức như Thí nghiệm nhà tù Stanford năm 1971 hay Thí nghiệm quái vật (1939). “Khét tiếng” nhất trong số này phải kể đến Thí nghiệm Milgram về sự tuân thủ mệnh lệnh một cách mù quáng và bản chất của cái ác.

Được thực hiện vào tháng 7.1961, cuộc thí nghiệm này một lần nữa trở thành đề tài tranh luận sôi nổi trên các diễn đàn khi bộ phim Experimenter (tạm dịch: Người thí nghiệm) về cuộc đời Giáo sư Stanley Milgram (1933 -1984) được công chiếu hồi cuối tuần và nhận vô số lời khen ngợi.

Giáo viên, học sinh và điện giật

Năm 1961, Giáo sư Milgram đang là một trong những nhà tâm lý học hàng đầu của Mỹ làm việc tại Đại học Yale. Ông cùng các cộng sự đăng quảng cáo tuyển người tham gia một cuộc thí nghiệm về “tác động của hình phạt đối với việc học” với giá 4 USD/giờ. Tổng cộng 40 người tham gia mà không hề biết rằng mình sắp bước vào một trải nghiệm kinh hoàng.

Theo mô tả trên chuyên san Journal of Abnormal and Social Psychology, người tham gia đóng vai “giáo viên” sẽ đặt câu hỏi cho “học sinh”. Cả hai ngồi ở 2 phòng khác nhau và chỉ liên lạc qua bộ đàm. “Giáo viên” lần lượt đặt câu hỏi và mỗi lần “học sinh” trả lời sai, “giáo viên” sẽ được người giám sát thí nghiệm yêu cầu nhấn nút gây giật điện để trừng phạt “học sinh” với cường độ lớn dần, tối đa là 450 volt. Dĩ nhiên, “giáo viên” không hề biết rằng chẳng có ai bị điện giật cả và “học sinh” là người trong nhóm của Milgram, giả vờ kêu la đau đớn hoặc đập vào tường van xin dừng thí nghiệm.

Trong suốt thí nghiệm, các “giáo viên” tỏ ra không thoải mái và vô cùng lo lắng. Có người liên tục quệt mồ hôi trán, người thì gắng cười to một cách gượng gạo hoặc khóc lóc hỏi thăm tình trạng của “học viên”. Tuy nhiên, không có ai tỏ ý muốn ngừng lại trước mức 135 volt. Khi đến gần mức 300 volt, một số người xin dừng thí nghiệm và trả lại tiền. Tuy nhiên khi được người giám sát đốc thúc và trấn an rằng sẽ không phải chịu trách nhiệm gì nếu có bất trắc thì họ lại tiếp tục nhấn nút bất chấp những tiếng gào thét từ phòng bên kia.

Kết quả cuối cùng là chỉ có 14 trong số 40 “giáo viên” kiên quyết dừng thí nghiệm trước mức tối đa 450 volt, tức có đến 65% số người tham gia đi đến tận cùng. Trong khi đó, theo Journal of Abnormal and Social Psychology, trước khi thực hiên thí nghiệm, Giáo sư Milgram đã thăm dò thử ý kiến của nhiều sinh viên năm cuối khoa tâm lý cũng như các đồng nghiệp và ai cũng cho rằng sẽ có rất ít người chịu nhấn nút từ sau mức 300 volt. Trong nhiều năm sau, Milgram cũng như một số chuyên gia khác tiến hành hàng trăm thí nghiệm tương tự và kết quả là chưa đến phân nửa số người tham gia quyết định bỏ cuộc. Từ đó, ông đưa đến kết luận dưới sức ép của mệnh lệnh của những người có quyền, khi tự cho rằng bản thân không phải chịu trách nhiệm thì con người có thể gây ra những hành động độc ác, gây tổn thương đến người khác dù biết rằng chúng trái với niềm tin và đạo đức.

Suốt mấy chục năm qua, Thí nghiệm Milgram hứng chịu vô số chỉ trích là “phi đạo đức, vô nhân tính” khi lừa người tham gia trải qua những chấn động tâm lý nặng nề. Nhiều tổ chức người Do Thái thì lên án dữ dội việc Giáo sư Milgram cho rằng thí nghiệm của ông có thể giải thích cho hành động của đại đa số binh lính và quan chức Đức quốc xã trong Thế chiến 2. Đáp lại, những người ủng hộ chỉ ra rằng không ai trong số những người tham gia thí nghiệm gặp phải hậu quả lâu dài nào về tâm lý và rằng dư luận không chịu chấp nhận sự thật về “mảng tối trong mỗi con người”. Đến nay, thí nghiệm này vẫn thường xuyên được giảng dạy tại nhiều trường đại học danh tiếng trên thế giới, còn Giáo sư Milgram đứng thứ 46 trong danh sách 100 nhà tâm lý học xuất sắc nhất thế kỷ 20 của chuyên san Review of General Psychology.

Cuộc tra tấn kinh hoàng

Từ năm 1992 đến năm 2004, tại Mỹ xảy ra một loạt vụ lừa đảo mà một số chuyên gia cho rằng là bằng chứng hùng hồn nhất cho kết luận của Giáo sư Milgram. Theo CNN, một kẻ nặc danh đã gọi điện tới hàng chục nhà hàng thức ăn nhanh trên khắp nước Mỹ tự xưng là cảnh sát và yêu cầu “hỗ trợ điều tra về một vụ ăn cắp”. Kẻ này mô tả một “nghi phạm”, thường là nữ, đang có mặt trong quán, chẳng hạn như nhân viên hoặc khách hàng, rồi yêu cầu quản lý nhà hàng lục soát bằng cách lột đồ, đánh đập nạn nhân. Có ít nhất hơn 10 trường hợp người nghe tuân thủ mọi chỉ dẫn của “cảnh sát”.
Trong đó, nghiêm trọng nhất là vụ xảy ra ngày 9.4.2004 tại một cửa hàng McDonald’s ở thị trấn Mount Washington, bang Kentucky. AP dẫn hồ sơ của tòa án cho hay cửa hàng trưởng Donna Summers nhận điện thoại của một kẻ tự xưng là “thanh tra Scott” nói trong nhà hàng có một nghi phạm ăn cắp. “Scott” mô tả nghi phạm là nữ, dáng thanh mảnh và tóc đen rồi nhờ Summers “xử lý giúp vì sở cảnh sát thiếu nhân lực để giải quyết một vụ nhỏ như vậy”. Thế là Summers gọi bạn trai là Walter Nix Jr. đến và khống chế giam cô Louise Ogborn, một nhân viên nhà hàng vừa tròn 18 tuổi, trong nhà kho.

Suốt nhiều giờ đồng hồ, Summers và Nix Jr. làm theo mọi yêu cầu qua điện thoại của “thanh tra Scott” và gây ra những hành động khó tưởng tượng để “tìm bằng chứng và buộc nghi phạm thú nhận” như đánh đập, lột truồng, dùng tay và dị vật xâm phạm cơ thể Ogborn, thậm chí ép nạn nhân quan hệ tình dục bằng miệng với Nix Jr.

Cũng trong suốt quãng thời gian đó, Ogborn tin rằng mình đang bị điều tra thật nên không dám mảy may phản kháng. Cuối cùng, Nix Jr. chịu hết nổi và bỏ đi. Theo tờ The Courier-Journal, ông này đã gọi điện cho bạn và nói: “Tôi đã làm một việc vô cùng xấu xa”. Sau đó, Summers yêu cầu một nhân viên khác thế chỗ Nix Jr. nhưng bị từ chối. Đến lúc này, Summers mới bắt đầu chất vấn “thanh tra Scott” và người này lập tức cúp máy. Một điều đáng nói khác là trong suốt vụ việc, nhiều nhân viên của nhà hàng tuy không tham gia tấn công Ogbron nhưng cũng không gọi cảnh sát hay kiểm tra lại thông tin.

Vụ án này thu hút sự chú ý lớn của dư luận vì sự nghiêm trọng và “khó tin” của nó. Nhiều người không thể hiểu được tại sao Summers và Nix Jr. có thể “ngu ngốc” đến mức như vậy và Thí nghiệm Milgram thường xuyên được giới truyền thông viện dẫn để bình luận về vụ việc. Sau một thời gian dài điều tra, xét xử, Nix Jr. lãnh 6 năm tù giam vào năm 2006, còn Summers bị McDonald’s sa thải vì phải chịu 1 năm quản chế. Nạn nhân Ogborn bị sang chấn tâm lý nặng nề, phải trải qua một thời gian dài trị liệu và từ bỏ kế hoạch vào đại học.

Đến năm 2007, cả Ogborn và Summers đều đâm đơn kiện đòi McDonald’s bồi thường vì thiếu trách nhiệm và không cảnh báo cho nhân viên về những vụ lừa đảo đã xảy ra trước đó. Sau một loạt phiên tòa rồi kháng cáo, McDonald’s đồng ý bồi thường cho Ogbron 1,1 triệu USD còn Summers không nhận được đồng nào, theo The Courier-Journal.

Trong khi đó, đến nay thủ phạm chính vẫn đang ngoài vòng pháp luật và giới điều tra thậm chí còn chưa xác định được hắn là ai. Sau vụ 2004, cảnh sát có bắt giữ một người tên David Richard Stewart nhưng ông này được tòa tha bổng vì thiếu bằng chứng.

Sự tầm phào của cái ác

Lâu nay, Thí nghiệm Milgram thường được gắn với khái niệm Sự tầm phào của cái ác (The banality of evil) của nữ triết gia Hannah Arendt (1906 - 1974, một trong những trí thức gốc Do Thái nổi tiếng nhất thế giới) đưa ra năm 1963. Từ quá trình theo dõi phiên tòa xét xử Adolf Eichmann, một trong những kiến trúc sư của cuộc diệt chủng người Do Thái trong Thế chiến 2, Arendt lập luận rằng Eichmann và nhiều thành viên quốc xã khác không phải là những tên sát nhân khát máu, bệnh hoạn như chúng ta vẫn cố tin. Thay vào đó, họ là những người bình thường, không có chút trục trặc tâm lý nào.

Bản thân Eichmann, kẻ mệnh danh là “Tên đồ tể của châu Âu”, không thù ghét người Do Thái. Hắn cho rằng những tội ác ghê rợn đã gây ra đơn giản là làm tốt công việc của mình theo sự đồng tình của cấp trên, nhà nước, xã hội và pháp luật Đức quốc xã.

Từ đó, Arendt kết luận trong sách Eichmann in Jerusalem: A Report on the Banality of Evil (tạm dịch: Eichmann ở Jerusalem - Báo cáo về sự tầm phào của cái ác) rằng cái ác không phải thứ gì đó ghê gớm, cao xa. Nó tồn tại trong mỗi con người và có thể trỗi dậy khi điều kiện cho phép mà bản thân chúng ta cũng không nhận ra.

Dù gây rất nhiều tranh cãi nhưng đến nay tác phẩm này vẫn được xem là một cột trụ trong lĩnh vực triết học chính trị và đạo đức học. Những người ủng hộ cho rằng khái niệm của Arendt có thể giải thích cho những thảm kịch lớn nhất trong lịch sử nhân loại và mang ý nghĩa cảnh báo sâu sắc. Như nhân vật Giáo sư Milgram nói trong phim Experimenter: “Chúng ta đều là những con rối và có lẽ nhìn ra được sợi dây là bước đầu tiên để đi đến tự do”.

Xem thêm: 3 câu chuyện chứng minh linh hồn có thật
Share this article :
 
Web: Transitions ProShow | Style Proshow | Style Proshow
Copyright © 2016. Stt NgắnHay - Duy Nguyễn TAttoo
Template by http://bikiep.ga/ Published by Proudly powered by Blogger
Chat
1