10 điều nên nhớ thực hiện nếu muốn hoàn thành mục tiêu
Hãy nắm bắt cơ hội và tận dụng tất cả những gì có thể để đạt được thành công.
1. Hãy bắt đầu, đừng viện lý do
Đừng có nói rằng tôi sẽ làm việc đó khi tôi có hứng, bởi vì cái hứng đó sẽ chẳng bao giờ tới với một người chần chừ cả. Nên nhớ rằng, đó chẳng qua là cách thông minh để nguỵ trang và là “mưu mẹo” để bạn tiếp tục thói trì hoãn của mình thôi.
Cái gì làm bạn khăng khăng kháng cự lại nó nhỉ? Hãy bắt đầu bằng những điều dễ nhất, hãy vận dụng những kinh nghiệm để có sự thành công ngay lập tức. Chần chừ có thể lấy đi những cơ hội tốt nhất trong cuộc sống của bạn.
2. Tự khen thưởng
Khi bạn hoàn thành một công việc, hãy tự khen thưởng cho mình. Một cái gì đó mà lâu nay bạn hằng ao ước, hay đơn giản hơn là lấy niềm vui khi thấy được tiến bộ của bản thân… Những điều này sẽ khuyến khích bạn.
3. Tưởng tượng cuộc sống của bạn sẽ như thế nào nếu thiếu sự chần chừ
Thỉnh thoảng hãy tưởng tượng xem cảm giác của bạn sẽ như thế nào nếu bạn làm mọi việc mà không phải chần chừ gì cả. Bạn sẽ làm và hoàn thành được những gì, những điều đó có thể giúp ích gì cho bạn trong cuộc sống?
Đôi khi tưởng tượng cuộc sống của bạn giống như một bộ phim và bạn có thể mặc sức làm những gì mình muốn sẽ làm bạn tự tin hơn. Bắt đầu hành động khi bạn không chần chừ và hãy để sự cương quyết giúp bạn.
4. Ưu tiên cho mục đích của bạn
Phát triển danh sách những kế hoạch sẽ giúp bạn vươn tới mục tiêu. Xem xét xem những yếu tố nào là cần và có thể thúc đẩy việc hoàn thành những gì bạn đã dự định.
Tuy nhiên, cũng nên linh hoạt một chút. Nên “nghía” lại mục đích của mình thường xuyên và điều chỉnh nếu thấy cần thiết. Mục đích không có nghĩa là cái gì đó ăn sâu không thể chuyển dời.
5. Tận tâm
Nói “có” với những thứ làm thay đổi cảm giác mệt mỏi và thiếu sức sống ở bạn. Đừng nên bắt đầu làm mọi việc bằng sự phỏng đoán, lười biếng, hay cho đó là một nghĩa vụ bắt buộc.
Nhận diện xem cái gì là quan trọng nhất và dồn tâm trí mình vào đó để thực hiện. Như thế bạn sẽ không phải tốn nhiều thời gian để phân vân và chọn lựa.
6. Xác lập mục tiêu nghề nghiệp
Mục đích rõ ràng sẽ thúc đẩy bạn tiến tới thành công. Sau khi xác định được mục tiêu hãy nghĩ về chúng và thử xem bạn có thể hoàn thành chúng trong thời gian ngắn hay dài.
Bạn cũng có thể thực hiện mục đích của mình với chiến lược SMART (thông minh): Specific = rõ ràng; Measurable = cụ thể; Action = hành động; Realistic = thực tế; Time based = có thời hạn. Hãy sử dụng chúng giống một phần mềm để giúp bạn lập kế hoạch và thực hiện.
7. Tiến từng bước
Nếu bạn đã dành sự ưu tiên để thực hiện mục đích của mình, hãy chia nhỏ nó ra để tránh sự choáng ngợp. Phải thấy một thực tế là: đôi khi sự chần chừ bắt nguồn từ việc bạn bị “choáng” trước những công việc mà bạn nghĩ rằng vượt quá khả năng của mình.
Bạn không biết bắt đầu từ đâu, bạn cũng không thể bắt đầu bằng tất cả mọi thứ? Nếu tình trạng này tiếp tục bạn sẽ dễ rơi vào tình trạng bất động. Tiếp cận từng bước, đặc biệt là những công việc lớn sẽ giúp bạn giải quyết được vấn đề này.
8. Hãy là người có chính kiến
Mục đích sống của bạn là gì? Bạn muốn có nhiều thời gian hơn, nhiều tiền hơn, muốn sức khoẻ tốt hơn, muốn một mối quan hệ trọn vẹn hơn, công việc kinh doanh thuận lợi hơn?
Có quá nhiều thứ cần phải bận tâm mà bạn thì không biết ưu tiên thực hiện cái nào trước. Lúc này “chần chừ” xuất hiện. “Nó” làm cho bạn do dự, không tự tin vào khả năng cũng như sự lựa chọn của mình. Bạn cảm thấy “sợ” và không dám làm điều mà mình thấy hợp lý, sợ người khác chế nhạo khi gặp thất bại.
Bạn có một cái “tôi” và chắc chắn bạn phải có những suy nghĩ của riêng mình. Vậy, đừng bị “nghiêng ngả” hay thay đổi chỉ vì những tác động của mọi thứ xung quanh. Lo sợ không giải quyết được gì, mà chỉ khiến bạn thêm chần chừ thôi. Hãy tự nhủ rằng: “Tại sao mình phải lo sợ về những điều chưa xảy ra nhỉ?”, khi đó bạn sẽ có thêm dũng khí để lựa chọn.
9. Coi trọng sức khỏe
Không có sức khỏe bạn sẽ giống như một cỗ máy không có động cơ, và bạn cũng chẳng thể làm được gì cả. Bảo đảm một chế độ ăn đủ chất, ngủ đủ và sâu, tập luyện đều đặn… sẽ giúp bạn “sáng suốt” hơn.
10. Trục xuất những rắc rối giả tưởng
Những rắc rối ấy có thể là những câu nói quen thuộc hay lởn vởn trong đầu bạn như: “Tôi không có tâm trạng nào mà nghĩ đến chuyện ấy”, “Tôi không có thời gian”, “Tôi không thể làm được điều đó”.
Dừng tất cả những ý nghĩ đó lại, thay vào đó bằng những cụm từ như “nên”, “phải”, “có” với ý muốn “tôi muốn”, tôi khao khát”. Chắc chắn bạn sẽ có sự chọn lựa cho riêng mình.
Hãy tin vào sự chọn lựa của bạn và trục xuất những ý nghĩ rắc rối ấy đi. Thêm lần nữa, sử dụng sự kiên quyết để thay thế cho những ý nghĩ giả tưởng đó.
Xem thêm: 5 câu hỏi phải trả lời nếu muốn hoàn thành mục tiêu
Labels:
Thành công